Cô giáo có
tấm lòng nhân hậu luôn yêu thương chia sẻ cùng học sinh
Đến thăm
trường Tiểu học Cự Khối - quận Long Biên ai cũng đều nghe kể về cô giáo Ngô Thị
Hiền - người có được sự yêu quý không chỉ của đồng nghiệp, các cháu học sinh,
mà còn nhận được niềm tin yêu của phụ huynh học sinh.
Sinh ra
và lớn lên tại quê hương Cự Khối, ngay từ nhỏ cô Hiền đã mơ ước trỏ thành người
giáo viên nhân dân. Để thực hiện ước mơ đó, cô đã chăm chỉ cố gắng học tập và năm 1998,cô đã thi đỗ vào trường Đại học sư
phạm Hà Nội cùng trường Cao đẳng sư phạm
Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình cô lúc đó rất khó khăn, bố mẹ làm ruộng, đông anh em
đang tuổi đi học, cô Hiền đã quyết định đi học Cao đẳng Sư phạm để vừa học thời
gian ngắn, đỡ gánh nặng cho bố mẹ, lại vẫn thực hiện được ước mơ của mình. Ra
trường, cô về công tác tại Trường Tiểu học Văn Đức, huyện
Gia lâm, Hà Nội. Vừa đi làm, cô vừa tiết kiệm tiền để học Đại học, từng ngày
trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục.
Mặc dù trường học xa nhà nhưng với lòng yêu nghề, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ
cùng những kiến thức tiếp thu được ở trường sư phạm, cô đã không ngại khó, ngại
khổ, cống hiến trí tuệ, tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho học sinh của
mình. Với mong muốn đóng góp công sức của mình xây dựng sự nghiệp giáo dục cho
quê hương cự Khối cô Hiền xin chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Cự Khối,
quận Long Biên, Hà Nội năm 2003.
Cô Ngô Thị Hiền là một cô giáo trong suốt
nhiều năm đã miệt mài, thầm lặng cống hiến công sức, dành tình yêu thương, tấm
lòng nhân ái cho những học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn
cảnh đặt biệt...chiếm được tình cảm và sự trân trọng của đồng nghiệp và nhân
dân địa phương. Có lẽ sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên cô đã đồng cảm với hoàn cảnh của học sinh khó khăn của trường. Trong
từ năm 2014 đến nay, cô đã nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trong
trường là cháu Nông Văn Duy và cháu Hoàng Minh Tâm.
Được
biết cháu Nông Văn Duy gia đình hoàn cảnh khó khăn: Bố người dân tộc Nùng, mẹ
dân tộc kinh. Hai bố mẹ sống với nhau sinh được 2 con trai, sau đó họ chia tay,
Duy ở với mẹ. Một thời gian sau mẹ đi lấy chồng, nhà chồng cũng khó khăn. Họ
không cho người mẹ đó mang Duy về nuôi. Mẹ cháu đã phải gửi cháu về ở với bà
ngoại 80 tuổi tại Bắc Ninh. Bà thì già yếu, lại không có con phụng dưỡng, thường
ra chùa ăn mày cửa phật mà vẫn phải nuôi cháu nhỏ. Bà đã gửi cháu nhờ nhà chùa
Xuân Đỗ nuôi. Khi cháu đến tuổi đi học, cháu đã được học tại Trường Tiểu học Cự
Khối.
Thấy được hoàn cảnh khó khăn của cháu, cô Hiền
đã nhận đỡ đầu cho cháu. Cô xin nhà trường cho cháu vào lớp cô để cô được tận
tay chăm sóc, bảo ban cháu. Những ngày đầu về chùa Xuân Đỗ, Duy là một cậu bé
không như những đứa trẻ bình thường. Vì em sống ở vùng dân tộc, điều kiện kinh
tế khó khăn, em đã phải sống một cuộc sống không có người chăm sóc, bảo ban và
dạy dỗ, tính khí thất thường, lúc nào mặt cũng im lặng, không có biểu hiện vui
buồn. Chỉ thấy em hay cáu giận. Lúc nào cũng giơ tay ra định đánh người khác
như để phòng thân. Thấy vậy, cô đã đón em ra nhà cô chăm sóc. Hằng ngày cô vừa
hướng dẫn em cách sống, vừa hướng dẫn em đọc và viết. Mùa hè Duy hay bị dị ứng,
sưng, đỏ ửng cả chân. Cô bôi thuốc vào những vết ở chân do em gãi hàng ngày, rồi
lấy nước, thuốc sát trùng rửa cho em. Cô còn dặn hai con: Thành Đạt và Ngọc Ánh
phải luôn yêu thương chia sẻ với em như em trai của mình. Có món gì ăn cũng phải
cho em ăn cùng. Trong những dịp lễ tết cô cũng luôn động viên Duy bằng những
món quà đầy tình cảm. Lúc thì cái quần, lúc thì cái áo, lúc mua quyển sách, lúc
lại cái bút hay quyển vở, đôi khi là quyển truyện. Vì thiếu tình cảm của cha mẹ,
những lúc ngủ trưa Duy cũng muốn được cô ôm ấp. Thấy vậy, mỗi buổi trưa khi đi
ngủ. Cô lại dang tay ôm em vào lòng. Tình cảm của cô đã ngấm dần vào em. Em đã dần
quen với cuộc sống bình thường. Khi mới tập viết, em toàn viết ngược, cầm bút
không đúng, chỉnh mãi cũng chỉ được một lúc rồi lại cầm sai. Cô Hiền đã giúp em
chỉnh sửa dần. Rồi trong năm học lớp một cũng như các năm học sau này, cô luôn
dành thời gian kèm cặp em không kể ngày và đêm. Hiểu được tình cảm cô Hiền dành
cho mình Duy đã chăm chỉ học tập, hăng hái xây dựng bài, luôn đoàn kết, yêu quý
các bạn trong lớp. Cả năm năm Duy đều đạt học sinh có thành tích vượt trội về
các môn học và là “ Cháu ngoan Bác Hồ, chủ nhân Thăng Long”.
Còn
cháu Hoàng Minh Tâm khi sinh ra đã không được nhận tình yêu thương của cha mẹ.
Một buổi sáng, nhà chùa Xuân Đỗ đang quét cổng chùa. Bỗng nghe tiếng trẻ con
khóc chạy ra xem thì thấy có một đứa trẻ cùng với một túi tã, lót và một mảnh
giấy có ghi mấy chữ là nhờ nhà chùa chăm sóc cho cháu bé. Từ đó cô bé Minh Tâm
được mọi người trong chùa chăm bẵm, thương yêu và dành tình cảm đặc biệt cho
cháu. Khi Minh Tâm tròn sáu tuổi, bắt đầu đến tuổi đi học. Cô giáo Ngô Thị Hiền
đã đồng hành cùng cháu trong suốt ba năm qua.
Cũng như cháu Nông Văn Duy, Hoàng Minh Tâm
cũng được cô xin nhà trường đón vào lớp Một của mình. Với tấm lòng tương thân,
tương ái cô Hiền đã mang đến cho cháu không chỉ là tình cảm của một cô giáo
dành cho học sinh mà là tình cảm của một người mẹ dành cho đứa con gái thân yêu
của mình. Giờ đây Tâm đang là học sinh lớp 3A3- Trường Tiểu học Cự Khối.
Tuần
nào cũng vậy, cô dành thời gian dạy cháu học, nhắc nhở cháu cách ăn mặc, cách
làm vệ sinh cá nhân hằng ngày. Cô mua đồ dùng học tập, mua quần áo mới cho các
cháu. Ngoài ra cô luôn tâm sự, động viên, chia sẻ với các cháu. Chính vì thế cháu
tự tin hơn trong học tập, có điều gì cũng chia sẻ với cô. Cháu còn nói với mọi
người: " Cô giáo Hiền đúng là người mẹ thứ hai của con".
Có thể nói, với tấm lòng nhân hậu và lòng tận
tâm trong sự nghiệp “trồng người” cô giáo Ngô Thị Hiền đã cống hiến hết mình
cho sự nghiệp giáo dục của quê hương. Cô thật xứng đáng là một giáo viên tiêu
biểu trong ngành giáo dục và là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh học
tập và noi theo.